Bún Tháp Miếu - Hương lúa ẩn trong khuôn vắt bún

Bún Tháp Miếu - Hương lúa ẩn trong khuôn vắt bún
  • Tiếng Việt
  • English

Những nụ cười trong trẻo nguyên vẹn niềm vui sau một đêm thức trắng để làm ra những sợi bún trắng trong, mềm dẻo.

Làng Tháp Miếu (thành phố Phúc Yên) có nghề làm bún từ xa xưa, không ai còn nhớ từ đời nào. Theo sổ sách ghi chép lại, bắt đầu từ năm 1938, làng Tháp Miếu được nhiều người biết tới và bao đời nay, người ta gọi làng với cái tên bún Tháp Miếu.

Từ lâu, làm bún đã trở thành một trong số những nghề chính ở Tháp Miếu. Ngày xưa gần như 100% hộ dân trong làng làm bún, chủ yếu làm theo lối thủ công nên số lượng không nhiều nhưng được sợi bún dẻo và trắng. Những năm gần đây, ở làng Tháp Miếu, số gia đình làm bún đã giảm, phần lớn chuyển sang buôn bán, kinh doanh. Hiện nay số hộ làm bún của làng Tháp Miếu chỉ còn 14 hộ, nhưng nhờ sử dụng máy móc hiện đại, số lượng bún làm ra mỗi ngày từ 8 – 10 tấn.

Để có được sợi bún Tháp Miếu chính hiệu, ngon nổi danh khắp miền không hề đơn giản, dù chỉ là được cấu thành từ gạo trắng và nước trong. Ngay từ khâu đầu, việc chọn lựa chất liệu làm bún đã rất khắt khe, phải lựa thứ gạo tẻ không quá dẻo, đem vo, đãi sạch rồi ngâm nước. Ngày trước, người ta phải ngâm gạo 5 ngày, nhưng công nghệ hiện đại ngày nay rút ngắn còn 2 ngày là gạo có thể đem vào xay thành bột. Quy trình làm bún phải tuân thủ chặt chẽ rất nhiều khâu như đưa gạo vào xay nhuyễn với nước để tạo thành thứ bột gạo dẻo, mịn; ủ bột và chắt bỏ nước chua rồi đưa lên bàn ép xắt quả bột; nhào bột, đánh thành dung dịch lỏng rồi đưa qua màn lọc sạn, bụi tấm để tạo ra tinh bột. Sau đó, bột được đưa vào khuôn vắt thành sợi và đưa vào nồi luộc vài ba phút thì vớt bún ra, tráng qua nước lọc cho khỏi bết dính. 

Bún thành phẩm được đặt trên các thúng tre có lót sẵn lá chuối, hong khô và ủ trước khi đem ra chợ bán. Người Tháp Miếu rất thạo trong việc luộc và đánh giá độ chín của bột bún – khâu quan trọng nhất, thể hiện tay nghề của người làm bún, bởi nếu thời gian luộc bột chỉ chênh nhau một chút cũng sẽ ảnh hưởng tới độ săn chắc, chất lượng của sợi. Chính vì thế mà bún Tháp Miếu từ lâu đã có tiếng "sợi tròn, thơm dẻo, vị trắng trong".

Vì bột không pha chế gì, lại được nghiền lọc kỹ nên bún Tháp Miếu mát và bổ. Từ bún để có bún riêu cua, bún ngan, bún măng, bún mọc, bún ốc, bún lươn, bún chả, bún thịt chó, bún bò sốt vang, bún chấm mắm tôm chanh, bún sào, bún khô, bún ăn vã… Nghĩa là bún như cơm tẻ, bún là "mẹ ruột”. Ăn bún kèm gì là tuỳ sở thích. Nhưng nếu đến Phúc Yên mà chưa ăn bún thì chưa thể nói là đến Phúc Yên. Rồi đây, xã hội còn thay đổi, phát triển nhưng sợi bún quê Tháp Miếu, từng sáng, từng sáng, mỗi ngày sẽ chẳng đổi thay, còn Tháp Miếu là còn sợi bún. 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Bản quyền thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

xtdlvp@gmail.com
0211 2211 637 - 0211 2211 647
Đường Lạc Long Quân, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

IZOMI