Rượu cỏ đĩ Tam Dương

Từ xa xưa, người Dao đỏ ở Sapa đã biết sử dụng cây cỏ đĩ để làm thuốc bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng. Qua thời gian, những kinh nghiệm dân gian đó đã được khoa học nghiên cứu, phát triển thành những bài thuốc quý.

Thấy được công dụng tuyệt vời của cây cỏ đĩ; đúc kết, kế thừa những kinh nghiệm quý của người Dao đỏ ở Sapa truyền dạy, bà Phạm Thị Hải Yến (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) đã cho ra sản phẩm “Rượu cỏ đĩ”. 

Cỏ đĩ (hay còn gọi là Hy Thiêm) có tên khoa học là Sigesbeckia Orientalis, thuộc Họ Cúc – Asteraceae. Cây còn được gọi với cái tên khác như Cứt lợn hoa vàng, Hy tiên, Cỏ đĩ, Chó đẻ, Hy kiểm thảo, Nụ áo rìa, Lưỡi đồng, Chó đẻ hoa vàng, Hỏa hiêm thảo.

Về đặc điểm sinh thái, cỏ đĩ là loài cây thân thảo cao khoảng từ 30 cm đến 1m. Thân màu xanh lục, phân thành nhiều cành, có lông tuyến mịn. Lá cây mọc đối, có hình như quả trám, có khi có hình tam giác hoặc hình thoi mũi mác. Lá dài khoảng 4 – 10 cm, rộng 3 – 6 cm, cuống lá ngắn, đầu nhọn, mép lá răng cưa không đều, có 3 gân chính lớn, mặt dưới lá phủ một lớp lông mịn. Hoa cỏ đĩ màu vàng, mọc thành cụm, cuống hoa có lông tuyến dính. Tuyến lông này có thể dính vào người nếu chạm vào, do đó còn được gọi là cỏ đĩ. Quả bế, màu đen, thuôn, có hình trứng, có 4 - 5 cạnh dài 3mm và rộng 1mm. Thân cây rỗng ở giữa, có đường kính khoảng 0.2 - 0.5 cm. Mặt ngoài thân cây có màu nâu nhạt hoặc hơi sẫm. Trên thân có nhiều rãnh dọc chạy song song có nhiều lông ngắn xếp sát nhau.

Mùa ra hoa của cây cỏ dĩ là từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Mùa ra quả là từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Cây mọc hoang ở nhiều nơi ở nước ta. 

Cây cỏ đĩ thường mọc ở vùng đất tương đối ẩm và màu mờ, trên các nương rẫy, đồng ruộng, bãi bồi, thung lũng. Cây thường được tìm thấy đầu tiên ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, Philippin, các nước châu Úc và nhiều nước khác cũng có sự xuất hiện của cỏ đĩ. Tại Việt Nam, cỏ đĩ thường được tìm thấy ở các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình.

Thời điểm thu hái cây cỏ đĩ là lúc cây sắp ra hoa hoặc mới ra một số ít hoa. Sau khi thu hái, cây được cắt ngắn để phơi trong mát hoặc ngoài nắng. Hoặc cũng có thể đem sấy khô ở nhiệt độ 50 đến 60 độ để bảo quản lâu hơn. 

Bộ phận dùng làm thuốc của cây cỏ đĩ là toàn bộ cây chỉ trừ gốc rễ. Cây cỏ đĩ có chứa chất darutin thuộc dẫn chất của axit salicylic và các chất đắng daturosid, orientin. Đây là dược liệu vị cay, vị đắng, tính hàn, độc nhẹ thường được sử dụng trong các bài thuốc đông y để điều trị cảm mạo, huyết áp cao hoặc phong thấp, đau nhức xương khớp. Cây được dùng chữa chân tay tê dại, đau lưng, mỏi gối và bệnh phong thấp. Những người bị tê đau do tê thấp, nhức xương, yếu chân, bán thân bất toại, gân cốt nhức lạnh, lưng gối tê dại. Cây còn được dùng để giã đắp tại chỗ để chữa ong đốt, rắn cắn và nhọt độc.

Bằng những kinh nghiệm đúc kết được của tiền nhân và tri thức dân gian vốn có, sản phẩm rượu cỏ đĩ Tam Dương ra đời với nhiều công dụng cho sức khỏe người dùng. Cây cỏ đĩ được thu hoạch lấy phần củ, làm sạch, sau đó sao vàng. Rượu được nấu thủ công bằng men lá truyền thống của người Dao đỏ, chưng cất nhiều lần trước khi ngâm. Rượu cỏ đĩ được ngâm ủ trong hầm nhiều năm (ít nhất là một năm tuổi) mới bán ra thị trường. Rượu có màu vàng tự nhiên, vị thanh mát, có tác dụng mát gan, bổ thận, tráng dương, tăng cường sức đề kháng. Mặc dù không ngừng mở rộng quy mô, sản lượng nhưng hiện nay sản phẩm rượu cỏ đĩ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, rượu cỏ đĩ đã được xuất bán ở nhiều tỉnh thành, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai… và được người tiêu dùng đón nhận, phản hồi tích cực.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Bản quyền thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

xtdlvp@gmail.com
0211 2211 637 - 0211 2211 647
Đường Lạc Long Quân, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

IZOMI