Về Diệm Xuân những ngày giáp Tết, chứng kiến không khí tấp nập làm bánh trong mỗi gia đình làm nghề mới thấu hiểu hết tình cảm và sự gắn bó của người dân nơi đây với nghề truyền thống
Trong xã hội hiện đại ngày nay, đã có nhiều truyền thống bị mai một, nhưng truyền thống gói bánh chưng ngày tết - một nét văn hóa của người Việt vẫn tồn tại trường tồn với thời gian. Về Diệm Xuân (Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc) những ngày giáp Tết, chứng kiến không khí tấp nập làm bánh trong mỗi gia đình làm nghề mới thấu hiểu hết tình cảm và sự gắn bó của người dân nơi đây với nghề truyền thống được truyền lại từ thời cha ông.
Nghề gói bánh chưng xuất hiện ở làng Diệm Xuân vào khoảng đầu những năm 60
của thế kỷ trước. Khi ấy, người dân thường gói những chiếc bánh chưng nhỏ để
bán cho khách đi tàu nghỉ ở ga Bạch Hạc. Nhiều khách hàng còn mua thêm bánh về
để làm quà, lượng hàng bán được nhiều thành thử người gói bánh cũng đông dần
lên. Dần dần, người dân không chỉ gói bánh bán ở ga tàu nữa mà còn tỏa đi các
chợ để bán, lấy đó làm nghề kiếm kế sinh nhai. Trải qua nhiều thế hệ đúc kết,
tích lũy, người làng Diệm Xuân có bề dày kinh nghiệm gói bánh chưng. Đã là người
làng Diệm Xuân, ai cũng biết gói bánh chưng, gói bánh không cần khuôn mà vẫn
vuông đẹp. Con gái ở làng đi lấy chồng thiên hạ cũng đem theo cái khéo này về
nhà chồng như một thứ vốn liếng nàng dâu.
Để bánh ngon, không bị nhão thì khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng. Lá dong phải chọn lá bánh tẻ, dày và cuống mỏng được trồng ở các tỉnh như: Hà Giang, Yên Bái; gạo là gạo nếp cái hoa vàng hoặc nếp nhung trồng ở Thái Bình, Nam Định; đỗ xanh phải sạch vỏ, thơm, ngon; thịt lợn thường là thịt ba chỉ hoặc thịt nửa mỡ nửa nạc.
Trước khi gói, lá dong cần được rửa sạch, lau khô; gạo vo thật kỹ trước một
giờ, để ráo nước, không nên ngâm gạo lâu vì như vậy gạo sẽ bị nở, khó gói và
làm chua bánh nhanh; đỗ xanh nấu vừa chín tới, thịt lợn ướp đủ các loại gia vị
cho đậm đà, gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp, mịn,
rền thì lúc gói phải đỗ trong gạo, gạo trong lá và gói chặt tay. Khi bánh chín
có màu xanh dịu nhẹ của lá dong, vị thơm sánh quyện của đỗ xanh với thịt lợn, dẻo
ngon của gạo nếp khiến người thưởng thức cảm nhận được một món ăn vừa ngon vừa
đậm đà và mang đặc trưng riêng của địa phương.
Ngày xưa, cuộc sống khó khăn, bánh chưng chỉ được ăn vào dịp lễ, Tết nhưng hiện nay, kinh tế khá giả, bánh chưng được người tiêu dùng sử dụng hàng ngày. Vì vây, nghề làm bánh chưng Diệm Xuân có quanh năm, đặc biệt vào các dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu lại tăng cao và đây được coi là vụ sản xuất chính trong năm. Với những hương vị đặc trưng, bánh chưng Diệm Xuân đã trở thành món ăn quen thuộc với người dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh như: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Vĩnh Yên, Phúc Yên đến thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Tuyên Quang... Nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng, các đám cưới hỏi, giỗ chạp, tiệc tùng của người dân quanh vùng cũng đã về đây đặt bánh. Không chỉ gói bánh chưng, người Diệm Xuân còn gói cả bánh giò, bánh gai, bánh rán, bánh dợm… vừa tạo việc làm lúc nông nhàn và cũng để tăng thêm thu nhập. Người dân Diệm Xuân luôn đặt chữ Tín và chữ Tâm lên hàng đầu, vì thế khách hàng đã đặt bánh ở đây đều rất tín nhiệm.
Làng Diệm Xuân có gần 400 hộ thì có đến hơn 200 gia đình làm nghề gói bánh
chưng và các loại bánh khác. Trong đó, có gần 50 gia đình đã duy trì nghề này
quanh năm, đem lại thu nhập khá. Dịp gần Tết hoặc có hàng đặt, nhiều gia đình
còn phải thuê thêm từ 5 đến 7 lao động mới làm kịp hàng cho khách. Ngày thường
thì gói từ 35 đến 40 cân gạo, còn những ngày gần Tết từ 3 đến 4 tạ gạo. Tuy vất
vả là thế, nhưng nghề này đã đem lại cho nhiều gia đình cuộc sống sung túc, và
quan trọng hơn ai cũng vui vẻ, tự hào vì giữ lửa cho nghề truyền thống của cha
ông để lại.
Những ngày cận tết, những căn bếp Diệm Xuân bập bùng lửa cháy luộc bánh suốt ngày đêm. "Không có bánh chưng, dưa hành thì chưa thành Tết". Và bánh chưng Diệm Xuân vẫn sẽ mãi tồn tại như một nét văn hóa ẩm thực truyền thống, một thức quà "đặc sản" níu chân mỗi thực khách mỗi khi dừng chân nơi đây.
KIM DUNG
0 bình luận