Lễ hội đền Thính - Sự hài hòa trong văn hóa cổ kim

Lễ hội đền Thính - Sự hài hòa trong văn hóa cổ kim
  • Tiếng Việt
  • English

Thời gian: mùng 6 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch Địa điểm: xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc

Hàng năm lễ hội đền Thính được diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội xuân đền Thính là Lễ hội truyền thống, ca ngợi tinh thần cần cù, lao động sáng tạo, đề cao lòng nhân ái, yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân địa phương nói riêng và của nhân dân cả nước nói chung. Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân. Thông qua những hoạt động của lễ hội xuân nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc, động viên, khích lệ nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, không ngừng sáng tạo, hăng say lao động sản xuất, làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc.

Sáng mùng 6 tháng Giêng, nhân dân nô nức hướng về đền chính để làm lễ khai xuân. Việc chuẩn bị cho lễ tế khá công phu. Trước tiên là chọn những người đủ tiêu chuẩn tham gia tế lễ và đóng các vai chính trong đám rước. Thông thường có từ 8 đến 14 cụ ông được chọn làm thành viên trong đội tế khai xuân, tế dâng lễ, tế ngày sinh, hóa của đức Thánh Tản. Một cụ hội đủ các điều kiện tốt nhất sẽ được chọn làm chủ tế; 2 cụ làm Đông sướng và Tây sướng; 2 cụ bồi tế; 4 cụ tiến nước đèn, nhang, hoa, rượu,…một cụ đọc văn (đọc trúc); 6 cụ chấp kích hai bên canh gác và xua đuổi tà ma cho cuộc tế. Những công việc này đều do người dân Tam Hồng bầu chọn, cắt cử dưới sự điều hành của ban tổ chức lễ hội.

Ban tế gồm 2 đội, một đội nam và một đội nữ, mỗi đội thường gồm 21 người, trong đó có một người chủ tế. Người chủ tế phải là người có thẻ Vinh tử vượng, phu phụ song toàn, tử tôn hưng thịnh, đồng thời phải khoẻ mạnh …. Song song với việc chuẩn bị trên thì việc chuẩn bị đồ lễ vật cũng được tiến hành. Công việc chuẩn bị xong cũng là lúc lễ hội Đền Thính được diễn ra. Sau lễ khai mạc của Ban tổ chức lễ hội, lần lượt từng thôn trong và ngoài xã, theo lịch đã đăng ký tiến hành lễ rước từ Đình thờ của làng mình lên đền Thính. Khi đám rước của một thôn đến đền, cuộc tế lễ bắt đầu. Nội dung văn tế kể về công lao của Thánh đối với dân làng; mời Thánh về dự hội với dân làng, báo cáo thành tích của làng mình trong năm qua và cầu xin thánh phù hộ cho dân một năm mới làm ăn thịnh vượng, nhà nhà yên bình, làng xóm yên vui, người người mạnh giỏi.

Lễ hội nhằm khơi lại nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đền Thính là một trong những di tích đẹp của Vĩnh Phúc, nổi tiếng là linh thiêng, hàng năm được nhiều người dân đến cầu lộc, cầu may.
 

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Bản quyền thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

xtdlvp@gmail.com
0211 2211 637 - 0211 2211 647
Đường Lạc Long Quân, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

IZOMI