Bánh gai Tứ Yên - Món quà quê dân dã

Bánh gai Tứ Yên - Món quà quê dân dã

Bánh gai đã trở thành một thứ quà quê bình dị, dân dã, thơm ngon mà bất kì du khách nào qua đây đều muốn có được.

Theo nhiều cụ già tại xã Tứ Yên, nghề làm bánh gai đã có từ rất lâu đời. Khi đó bánh gai rất hiếm, được người địa phương làm để dẫn lễ ăn hỏi cho con cháu, làm quà biếu mỗi dịp lễ tết dành tặng cho người phương xa, làm lễ vật để thắp hương trong dịp tết, trong lễ hội bơi chải hàng năm của địa phương. Còn nay bánh gai đã được làm quanh năm, trở thành một thứ quà quê bình dị, dân dã, thơm ngon mà bất kì du khách nào qua đây đều muốn có được.

Bánh gai được làm từ gạo nếp thơm, mật mía, lá gai, đỗ xanh và dừa nạo kết hợp với nhau và gói bằng lá chuối khô, mang đến cho món bánh hương vị thơm ngon. Nhắc đến bánh gai thì đương nhiên không thể không nhắc đến lá gai, đây chắc hẳn là một nguyên liệu cơ bản tạo nên hương vị của bánh gai. Lá gai giúp tạo hương vị cho bánh và đồng thời nó làm cho bánh có màu đen. Để lựa chọn lá gai thì phải chọn lá bánh tẻ (không quá già và cũng không quá non), dày lá, xanh lá. Cây thì phải trồng cỡ 6 tháng mới đủ tiêu chuẩn để hái lá về làm bánh gai. Lá gai sau khi hái về được tước bỏ gân, phơi khô, sau đó đem rửa sạch... cho vào nước đun khoảng 5 – 8 tiếng, khi nào sờ thấy lá gai nhùn thì vớt ra, vắt khô và đem đi nghiền thành bột mịn.

Làm bánh gai không khó, nhưng để làm ra chiếc bánh ngon và đạt tiêu chuẩn, người làm bánh phải kỹ lưỡng, công phu trong từng giai đoạn. Gạo làm bánh phải là gạo nếp ngon, thường thì bà con nơi đây dùng gạo nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp Điện Biên để làm bánh. Gạo ngâm nước khoảng 2 tiếng sau đó đãi sạch, để ráo và mang đi nghiền thành bột mịn. Sau đó bột gạo và bột lá gai được trộn đều với nhau mang đi nghiền thật mịn. Bột gạo nếp và bột lá gai sau khi đã trộn đều nghiền mịn, được đem trộn với mật mía (theo tỷ lệ gia truyền); người dân nơi đây thường chọn mật xếp con bài thì bánh mới ngon. Sau đó hỗn hợp bột này được cho vào máy nhào trộn cho đến khi nào bột quện đều, mịn, không dính tay là được (ngày xưa các bà, các mẹ thường nhào bột bằng tay, bột càng vắt lâu thì bánh càng dẻo, càng mềm mại, thơm ngon). Công đoạn này quan trọng nhất, quyết định lớp vỏ bánh có dẻo dai, mịn, nhánh và khi bóc bánh không bị dính lá. Đây là bí quyết riêng của người dân Tứ Yên, khác hẳn với một số nơi khác, phải dùng mỡ bôi bên ngoài để bánh không bị dính lá.

Bột bánh sau khi nhào vắt có màu đen, mịn, mềm, dẻo và bóng đều được nặn thành các quả nhỏ đều nhau để làm vỏ bánh. Nhân bánh được làm từ đỗ xanh sau khi xôi chín cho vào cối giã nhuyễn đem trộn đường và dừa nạo. Lá gói bánh là lá chuối khô, nên dùng lá chuối tây thì màu bánh sẽ đẹp và thơm hơn. Lá càng lành càng tốt và phải là lá chuối khô tự nhiên thì bánh mới thơm đúng mùi đặc trưng. Người dân nơi đây không dùng lạt hay dây hóa học để buộc bánh mà dùng bằng sợi rơm nếp quê mình, để giữ cái hồn cốt dân gian của bánh gai.

Bánh đã gói được xếp vào nồi hấp cho nhiều nước, đun sôi. Nên xếp nghiêng các lớp bánh để hơi nước đi vào các khe của bánh sẽ nhanh chín và chín đều. Bánh gai được hấp khoảng 2 tiếng là ngon nhất. Ngày xưa, các bà các mẹ thường thắp nén hương, khi hết hương thì là xong. Khi bánh chín, vớt bánh ra phải “dặp” lại bánh để cho bánh có hình thức vuông, đều đẹp.

Bánh gai Tứ Yên được nhiều người tiêu dùng chọn lựa như một món quà quê giản dị, dân dã, đậm đà hương vị quê hương, trở thành một nét đẹp văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Là bánh ngọt, nhưng vị ngọt của bánh gai Tứ Yên rất thanh, không gây cảm giác khé cổ. Chiếc bánh gai mộc mạc thơm mùi đồng ruộng chỉ cần nghe nhắc đến đã thấy đâu đây mùi lá gai thoang thoảng trong hương nếp mới, phảng phất mùi của lá chuối khô, cùng vị ngọt bùi của nhân bánh không thể lẫn vào đâu được.

Cũng bởi cái mộc mạc, dân dã nên bánh gai Tứ Yên luôn là nỗi nhớ, là món quà quê, mang đậm vị quê hương thẳm sâu trong lòng mỗi người con nơi đây. Đó không chỉ là ẩm thực mà còn là hương, là vị của cuộc sống, gần gũi đến lạ kỳ.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

Bản quyền thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

xtdlvp@gmail.com
0211 2211 637 - 0211 2211 647
Đường Lạc Long Quân, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

IZOMI