Tây Thiên và Thiền viện trúc lâm Tây Thiên

Tây Thiên và Thiền viện trúc lâm Tây Thiên

Nếu chỉ nghe ai đó nói vừa đi “Tây Thiên” về thì chúng ta có thể hiểu “Tây Thiên” ở đây là cách nói tắt của cụm danh từ “Khu di tích và danh thắng Tây Thiên”.  Nhưng nếu chỉ là đi thăm Thiền viện trúc lâm Tây Thiên (cũng vẫn được ai đó kể là đi chơi Tây Thiên) thì đó lại là một điểm nằm trong khu Di tích danh thắng Tây Thiên. Vì Thiền viện trúc lâm Tây Thiên là một điểm thăm quan, là nơi tu học của các sư tăng và nơi trải nghiệm tu tập của Phật tử và du khách.

Khu di tích và danh thắng Tây Thiên là quần thể di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh nằm trên sườn núi Thạch Bàn thuộc dãy núi Tam Đảo tại thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây bao gồm hệ thống các đình, chùa có giá trị văn hóa và khảo cổ như đền Thượng, đền Thõng, đền Mẫu, đền Cậu, đền Cô... dọc theo con suối Tây Thiên giữa vùng rừng nguyên sinh Tam Đảo. Năm 1991, khu danh thắng Tây Thiên được Nhà nước xếp hạng di tích - danh thắng cấp quốc gia. Năm 2015, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên – Tam Đảo được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong những công trình kiến trúc Phật giáo uy linh, phong cảnh hữu tình nằm trong vùng bảo vệ 2 của Khu di tích danh thắng Tây Thiên. Đây cũng là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Phật giáo Việt Nam được coi là một trong những điểm phát tích Phật giáo sớm nhất tại Việt Nam (Khoảng thế kỷ thứ III). Hiện nay, không chỉ có các sư tăng tu học, Thiền viện còn thu hút rất nhiều thanh, thiếu niên đến trải nghiệm việc tu tập trong các khoá tu, nhất là vào các dịp hè.
Tương truyền, xưa kia, trên vị trí của Thiền viện ngày nay có ngôi chùa Thiên Ân. Vua Hùng Chiêu Vương trong một dịp đến chùa Thiên Ân thì gặp người con gái đẹp tên là Lăng Thị Tiêu. Ngài đã đem lòng thương mến và rước người con gái đó về làm vợ. Tích xưa kể lại, bà Lăng Thị Tiêu không chỉ xinh đẹp, nhân hậu mà còn là người có tài thao lược, bà đã có công giúp nhà vua đánh giặc giữ nước. Đền thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu ở Khu di tích, danh thắng Tây Thiên là nơi tưởng nhớ công ơn của bà. Hàng năm, Nhân dân khắp nơi tụ hội về đây để đến chiêm bái Phật và thực hành đạo Mẫu linh thiêng.
Năm 2004, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng tại khu vực chùa Thiên Ân cổ. Trong quá trình khởi công và xây dựng Thiền viện này, người ta đã tìm thấy vô số những viên gạch cùng mảnh ngói vỡ có hoa văn từ thời nhà Trần. Thiền viện chính thức khánh thành vào ngày 25/11/2005. Các công trình của Thiền viện được xây dựng với quy mô khá lớn, kỳ công, mang đậm kiến trúc Phật giáo  Á đông và Việt Nam, gồm: Chánh điện, Nhà tổ, Nhà khách, Nhà trưng bày, Cổng Tam quan, Lầu Chuông, Lầu Trống; Khu Nội viện bao gồm: Tăng đường; Thiền đường, Trai đường và các thất chuyên tu.  
 Như vậy, Thiền viện trúc lâm Tây Thiên nằm ở khu vực bảo vệ 2 thuộc Khu di tích danh thắng Tây Thiên. Do cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, công trình kiến trúc đặc sắc, không gian rộng nhưng tĩnh ẩn hiện trong rừng núi hùng vỹ cùng với những nét trân quý của Phật pháp được phổ biến và thực hành nơi này đã khiến rất nhiều phật tử và Nhân dân muốn đến chiêm bái, tham quan, trải nghiệm ở Thiền Viện.
     Nên ghé thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên Thời điểm nào trong năm?
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên cách thủ đô Hà Nội khoảng 85km về hướng Tây. Thiền viện nằm trên một ngọn núi cao khoảng 300m so với mực nước biển thuộc thị trấn Đại Đình, Tam Đảo. Thiền viện tọa lạc tại vị trí mát mẻ quanh năm nên du khách có thể ghé thăm nơi này bất cứ thời điểm nào trong năm. Dựa trên số lượng khách hành hương thì mùa đông vui nhất là mùa Xuân - sau Tết Nguyên đán và kéo dài hết tháng Hai, tháng Ba âm lịch. Thời điểm này trên địa bàn thị trấn Đại Đình và huyện Tam Đảo diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc, gắn với đạo Mẫu với ý nghĩa ghi nhớ công lao của Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, các vị Thánh Mẫu và các vị thần linh. Rất đông du khách đến chiêm bái, vãn cảnh, hành hương và cầu an. Đây cũng là thời điểm ấm áp, vạn vật sinh sôi, người dân đang độ nông nhàn, có nhiều sản vật được người địa phương khai thác trong rừng sâu hoặc tự nuôi, trồng được đem bán phục vụ khách thập phương đến với Khu di tích và danh thắng Tây Thiên.
Nếu không có dịp ghé thăm vào mùa xuân, bạn có thể đến thăm nơi đây mùa hè. Bởi  nhiệt độ nơi đây không hề nóng bức như khu đô thị náo nhiệt, mà có gió mát và không khí trong lành, dễ chịu để thanh tịnh thân, tâm và xả stress. 

Đến Thiền viện trúc lâm Tây Thiên thưởng thức ẩm thực cơm chay
    Thiền viện không chỉ đẹp và rộng mà còn có nhà ăn để phục vụ cơm chay cho khách tham quan và Phật tử. Cơm chay ở đây được các nhà tu hành và phật tử tự tay chế biến với khá nhiều món hấp dẫn từ nguyên liệu rau, củ, quả; đậu phụ. Khi dùng cơm chay tại đây, du khách nên tìm hiểu và tuân thủ các quy định về việc giữ trật tự trong khi dùng cơm, không bỏ phí thức ăn, thu dọn đĩa, bát, đồ dùng sau khi dùng cơm...
Ngoài ra, nếu bạn đến bất cứ điểm nào nằm trong khu vực Khu di tích danh thắng Tây Thiên, bạn cũng có thể được thưởng thức nhiều món đặc sản như ngọn rau su su, gà đồi, lợn đen, cá suối, trứng kiến, thịt bò kiến đốt, xôi ngũ sắc, cơm lam, trứng nướng, khoai môn núi và nhiều món ngon khác...

  Từ Hà Nội có thể di chuyển đến Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên bằng cách nào?
Nếu bạn có xe ô tô riêng thì chỉ cần dùng Google Map là dễ dàng di chuyển tới bất cứ địa điểm nào mà bạn muốn. Nếu muốn tiết kiệm chi phí di chuyển nhưng vẫn đảm bảo tiện lợi thì bạn có thể đi xe bus, xa khách hoặc xe máy để đến Thiền viện trúc lâm Tây Thiên.
Đi bằng xe bus hoặc xe khách: Từ thủ đô Hà Nội chúng ta có thể bắt xe bus để di chuyển đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên với thời gian di chuyển trung bình là khoảng 2tiếng 30 phút. Từ Bến xe bus Long Biên, bắt xe bus số 58 (giá vé 9000đ/ lượt), sau đó chuyển sang tuyến VP01 tại Mê Linh Plaza (giá vé 10.000đ)  để đến bến xe Vĩnh Yên, sau khi xuống Vĩnh Yên, tiếp tục đi tuyến bus VP07  (giá vé 8.000đ) để  đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Hoặc từ Bến xe Mỹ đình, bắt xe khách đến Vĩnh Yên ( giá vé khoảng 70.000đ-80.000đ), sau đó bắt xe bus VP07 (giá vé 8.000đ) để đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.
Đi bằng xe máy: Xuất phát từ đường Phạm Văn Đồng, bạn di chuyển tới cầu Thăng Long, qua cầu tiếp tục đi thẳng về hướng Nội Bài. Tới ngã tư Nam Hồng thì bạn rẽ trái về hướng đường Mê Linh. Bạn hãy chú ý xem kỹ biển chỉ dẫn đi đến Vĩnh Yên. Từ Vĩnh Yên bạn chỉ cần đi theo hướng các biển chỉ dẫn đi Tây Thiên – Tam Đảo và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. 
Từ Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên du khách dễ dàng đến các điểm di tích khác trong Khu Di tích danh thắng Tây Thiên 
 Sau khi thăm quan, chiêm bái và trải nghiệm tại Thiền viện trúc lâm Tây Thiên, bạn có thể tiếp tục thăm Thiền viện trúc lâm An Tâm (nơi dành cho các sư ni tu học) hoặc tham quan các điểm di tích khác nằm trong khu di tích danh thắng Tây Thiên theo sơ đồ minh họa.
 Một điểm khá đặc biệt là Đại Bảo Tháp Mandala, nơi bạn nên ghé trước khi vào Đền Thỏng và đi cáp treo lên đỉnh núi Tây Thiên. Bảo tháp rất uy nghi, là biểu tượng của vũ trụ, được xem là nơi ban nguồn ân phúc cho con người và vạn vật.
 Điểm cao nhất trong Khu Di tích danh thắng Tây Thiên là Tây Thiên cổ tự dựa lưng vào núi. Chùa nằm tĩnh lặng phía sau đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu. Quanh khu vực chùa cổ và đền thờ Quốc mẫu còn có nhiều đền thờ, miếu thờ các vị Mẫu thần linh thiêng khác, như Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải, Mẫu Ðịa và Mẫu Thượng Ngàn. 
Ngoài ra, nếu có nhiều thời gian, bạn có thể đi bộ tham quan, khám phá những điểm khác như suối Trường sinh,  Bàn cờ tiên, Chùa đồng... vừa có thể thử sức mình, vừa có thể tìm hiểu thêm về vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của vùng đất và lịch sử của Phật giáo nước ta.
 

Liên hệ

  • Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

Bản quyền thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

xtdlvp@gmail.com
0211 2211 637 - 0211 2211 647
Đường Lạc Long Quân, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

IZOMI