Tam Đảo ghi dấu chân Bác Hồ

Tam Đảo ghi dấu chân Bác Hồ

Thị trấn Tam Đảo vinh dự được đón Bác Hồ về thăm ba lần. Mỗi lần về thăm, Bác đều để lại những tình cảm sâu nặng, những lời dạy bảo chan chứa ân tình. Những lời căn dặn của Bác đã trở thành “kim chỉ nam” để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung thực hiện, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Khu nghỉ mát Tam Đảo được người Pháp phát hiện từ những năm đầu thế kỷ XX. Thực dân Pháp đã cho xây dựng “Trạm nghỉ mát mùa hè Tam Đảo” để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch của những quan chức cai trị người Pháp và tầng lớp giàu có lúc bấy giờ. Việc xây dựng trạm nghỉ mát gặp nhiều khó khăn, một phần do địa hình hiểm trở, một phần do khó khăn về tài chính. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm công trường xây dựng lại khu nghỉ mát Tam Đảo ngày 19/5/1955 (ảnh do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp)

Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiêu thổ kháng chiến từ năm 1947 – 1949. Trong thời kỳ này, Tam Đảo đã bị phá trụi, trở nên hoang tàn. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1954), đầu năm 1955, Chính phủ đã giao nhiệm vụ tái thiết Khu nghỉ mát Tam Đảo cho Bộ Kiến trúc đảm nhiệm. Ngay từ mùa xuân 1955, hàng trăm công nhân lao động đã tới Tam Đảo để bắt đầu nhiệm vụ nặng nề là làm sống lại nơi nghỉ dưỡng mà người Pháp đã mất gần 40 năm đầu tư cùng hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã đổ mồ hôi, công sức và cả máu để tạo dựng nên.

Chuyến công tác lần thứ 2 của Bác lên Tam Đảo là vào ngày 14 - 15/7/1963. Nhân dịp này, Người đã tới thăm và nói chuyện với Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III vào buổi sáng ngày 16/7/1963. Khi tuổi đã cao, sức khỏe kém, Bác có chuyến công tác cuối cùng lên Tam Đảo vào ngày 27/7/1968. Đây là chuyến công tác hoàn toàn bí mật. Trong chuyến đi này, Người đã họp với các đồng chí Quân ủy Trung ương; làm việc với đồng chí Bùi Quang Tạo, Bộ trưởng Bộ Kiến trúc. Đến 17 giờ 45 phút, Bác Hồ rời khu nghỉ mát Tam Đảo về Hà Nội. Mỗi lần Người đến thăm Tam Đảo, Bác đều để lại những tình cảm yêu thương, sự quan tâm sâu sắc, làm dấy lên niềm hạnh phúc, hãnh diện, tự hào của mỗi người dân Tam Đảo.

Trong quá trình tái thiết Tam Đảo, thời gian đầu, dù còn phải chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, chi viện cho công cuộc chống Mỹ cứu nước ở miền Nam, nhưng Chính phủ vẫn cố gắng khôi phục một số cơ sở cũ và bước đầu xây dựng một số công trình mới như Nhà khách Chính phủ, khách sạn Công đoàn, nhà nghỉ Hàng không và một số nơi lưu trú an toàn phục vụ Bác Hồ và Bộ Chính trị mỗi khi họp tại Tam Đảo.

Đến thời kỳ đất nước hòa bình, rồi đổi mới, tiến độ xây dựng thị trấn Tam Đảo ngày càng nhanh. Cùng với Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân cũng bắt đầu tham gia xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ và các công trình khác phục vụ phát triển du lịch.

Đặc biệt, sau khi Vĩnh Phúc tái lập tỉnh (1/1/1997), khu nghỉ mát Tam Đảo được quy hoạch lại để trở thành trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh. Năm 2011, tỉnh ban hành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, trong đó, có nội dung quy hoạch, phát triển Khu du lịch Tam Đảo. Giai đoạn 2015-2020, Vĩnh Phúc chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và phát triển Khu du lịch Tam Đảo trở thành khu du lịch quốc gia.

Hiện nay, Tam Đảo đã trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh với các loại hình du lịch phong phú, đa dạng như nghỉ dưỡng, sinh thái, trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, tâm linh… thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Đặc biệt, năm 2022 được xem là một năm “bội thu” danh hiệu của du lịch Tam Đảo. Không chỉ được công nhận là khu du lịch quốc gia, Tam Đảo còn ghi tên mình trên bản đồ du lịch thế giới, trở thành thị trấn điểm đến ấn tượng hàng đầu thế giới theo bình chọn của World Travel Awards - một tổ chức uy tín hàng đầu thế giới về du lịch. 

Thị trấn Tam Đảo ngày nay

Đó chính là tín hiệu đáng mừng, mở ra cơ hội lớn để du lịch Tam Đảo tiếp tục “cất cánh” vươn xa, xứng đáng với lời nhắc nhở của người: Tam Đảo phải xây dựng sao cho xứng đáng là khu nghỉ mát do chúng ta làm nên trên đống hoang tàn của chiến tranh, làm sống lại những vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
 

Loại hình

  • Du lịch tham quan - khám phá

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

Bản quyền thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

xtdlvp@gmail.com
0211 2211 637 - 0211 2211 647
Đường Lạc Long Quân, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

IZOMI