Nơi nghệ nhân thổi hồn vào từng tấc sắt

  • Tiếng Việt
  • English

Làng rèn Lý Nhân hay còn gọi là làng rèn Bàn Mạch thuộc xã Lý Nhân, phía Tây huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ xa xưa nơi đây nổi tiếng với những sản phẩm gang thép mà hiếm có vùng nào sánh kịp. Trong nền kinh tế hội nhập mở cửa của thời đại mới, những sản phẩm với mẫu mã đa dạng đẹp mắt từ nước ngoài tràn vào khiến biết bao nhiêu lò rèn đã phải ngậm ngùi đóng cửa vì ế ẩm. Nhưng những sản phẩm đến từ làng rèn Lý Nhân, Vĩnh Tường vẫn tồn tại và phát triển.

Nghề rèn Lý Nhân đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là làng nghề truyền thống năm 2006. Dù có rất nhiều nhà sử học đến tìm hiểu và nghiên cứu về nguồn gốc của làng rèn mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Ngay cả những người dân trong làng cũng không ai biết rõ nghề rèn bắt đầu từ bao giờ, nhưng suốt hàng trăm năm qua nghề rèn vẫn được cha truyền con nối, âm thầm bền bỉ phát triền mà không hề bị mai một. Cũng có tục truyền rằng xưa kia làng rèn rất nghèo, có một lần Quan Quận Công về làng, trông thấy làng xóm xơ xác tiêu điều, ông đã trực tiếp mở lò rèn và đón thợ giỏi về dạy cho nhân dân biết cách rèn dao, cuốc, xẻng… Làng rèn Lý Nhân có từ đó và tồn tại cho đến ngày nay.

Bước trên đường làng nghe văng vẳng khắp xóm là tiếng đe và tiếng búa leng keng. Có lẽ cũng bởi vậy những người dân nơi đây đã gắn bó và trưởng thành từ âm thanh quen thuộc đó. Khi đến thôn Bàn Mạch mọi người sẽ ngỡ ngàng với sự thay da đổi thịt chóng mặt của làng nghề, con đường làng được trải rộng hơn, những ngôi nhà nhỏ tiêu điều được thay thế bằng những căn nhà hai, ba tầng khang trang.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả các công đoạn đều được thay thế bởi máy móc, có những công đoạn vẫn đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo tay lành nghề của người thợ mới có thể làm ra một sản phẩm tốt, chất lượng. Đối với những nghệ nhân lành nghề trong làng họ đã quá quen thuộc với ánh lửa lò than với tiếng mài tiếng búa. Đôi tai và con mắt của người thợ lâu năm trong nghề chỉ cần nhìn vào hoa lửa bắn ra hoặc nghe tiếng máy kêu cũng có thể biết được sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa, vật rèn vào lò nung đang ở trạng thái nào, độ phát sáng ra sao, tôi vào lúc nào, ủ như thế nào bởi chỉ cần tôi thép già hay non một chút là sản phẩm sẽ không đạt chất lượng. Đối với những người yêu nghề như ông Phẩm điều khiến ông băn khoăn trăn trở là làm sao chất lượng mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều đạt yêu cầu của khách hàng, xứng đáng với danh tiếng làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm nay. Bởi vậy, quan điểm lấy chất lượng làm đầu đã trở thành luật "bất thành văn" của làng.

Tham quan làng nghề, khách du lịch sẽ được tận mắt nhìn thấy các sản phẩm, những con dao, cái búa… được làm ra như thế nào, tìm hiểu quy trình sản xuất, lịch sử hình thành phát triển nghề rèn. Trải nghiệm là một phần không thể thiếu của du lịch làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, nghề rèn lại là nghề khá khó đối với những người mới, chưa từng được học hành bài bản, vậy nên du khách đến tham quan làng nghề chỉ có thể tham gia một số công đoạn đơn giản trong quy trình sản xuất như: đe, mài… Do làng nghề vẫn chủ yếu làm để phục vụ nhu cầu sản xuất, nên để tham quan một quy trình sản xuất hoàn thiện cần thời gian từ 1 – 2 ngày.

Loại hình

  • Du lịch văn hóa - lịch sử
  • Ấn tượng làng nghề

Liên hệ

  • Xã Lý Nhân, phía Tây huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

Viết đánh giá

Dịch vụ

Sự hài lòng

Độ hấp dẫn

Bản đồ

Bản quyền thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc.

xtdlvp@gmail.com
0211 2211 637 - 0211 2211 647
Đường Lạc Long Quân, P. Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

IZOMI