Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nằm trọn trên Gò Đậu thuộc thôn Đông Hai, xã Vĩnh Mỗ, tổng Đông Lỗ, huyện Yên Lạc (sau này đổi là thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Di chỉ được phát hiện vào năm 1962, từ khi được phát hiện cho đến năm 1999, đã được các cơ quan nghiên cứu khảo cổ khai quật sáu lần, trong đó Viện Khảo cổ học khai quật 3 lần, Viện Bảo tàng Lịch sử (hiện nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) khai quật 2 lần, Bộ môn Khảo cổ học thuộc khoa Lịch sử Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khai quật 1 lần, với tổng diện tích là 758m2.
Qua các đợt khai quật, nhiều loại hình di tích và hàng ngàn hiện vật đã được tìm thấy như: đồ gốm; công cụ sản xuất; vũ khí; đồ trang sức; đồ dùng sinh hoạt bằng đá, bằng đồng; xương sừng; tượng hình tròn, hình động vật được nặn bằng đất nung… Ngoài ra còn phát hiện có nhiều hạt lúa gạo cháy thuộc từ lớp văn hóa Phùng Nguyên – chứng tỏ nghề trồng lúa nước và chăn nuôi đã có từ rất sớm ở buổi đầu dựng nước của các Vua Hùng.
Di tích Đồng Đậu đã phát hiện và nghiên cứu cho ta thấy, tuy diện tích khai quật còn nhỏ so với qui mô diện tích. Nhưng nguồn tư liệu thu thập từ các đợt khai quật, thám sát rất đồ sộ và phong phú. Nguồn tư liệu đã giúp chúng ta từng bước phác họa bức tranh đa diện, sinh động về một làng cổ thời Hùng Vương. Đặc biệt nhờ khối tư liệu thu thập được ở di tích Đồng Đậu, các nhà khoa học đã phục dựng được chân thực, khách quan, khoa học con đường phát triển của các nền văn hóa tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn