Đình Đình Chu là nơi thờ vọng Đột Ngột Cao Sơn, Cổ Việt Hùng Thị, Thập Bát Thế Thánh Vương và các đạo sắc phong năm Minh Mệnh thứ 2 có ghi "Phụng sự Thánh Tổ Hùng Vương". Được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996, đình Đình Chu được coi là “báu vật” của Vĩnh Phúc nói riêng và Bắc Bộ nói chung. Bởi lẽ, nơi đây còn lưu giữ những nét kiến trúc đậm chất của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đình được khởi công xây dựng năm Gia Long thứ 2 (1803) và trùng tu vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846). Đây được coi là ngôi đình bề thế, còn gìn giữ được lối kiến trúc độc đáo của vùng đất Bắc Bộ với trụ cột, kèo, xà ngang xà dọc… đều được chế tác bằng gỗ nguyên khối và trạm trổ công phu. Đình có kiến trúc hình chữ Đinh (丁), gồm tòa Đại Đình to lớn, rộng 13.2m, dài 23.2m với 5 gian 2 dĩ với 48 cột lớn nhỏ. Cột cái có đường kính 0.5~0.6 m. Bốn mặt không xây mà để thoáng, chỉ xây trụ gạch ở bảy góc theo phong cách đình xứ Đoài. Hậu cung có hình vuông dài rộng 8.2m, mang hình dáng một tòa gác hai tầng tám mái rất cân đối và thanh thoát được xây kín, phía trên gác là thượng ban thờ thành hoàng.
Tại gian thờ chính trong đình có bức hoành phi đời Nguyễn với 4 đại tự “NAM THIÊN TRIỆU THỦY” nghĩa là “Khởi dựng trời Nam” được sơn son thếp vàng chế tác năm Bảo Đại – Nhâm Ngọ (1942).
Nghệ thuật điêu khắc của đình là sự kết hợp của nghệ thuật đời Lê-Nguyễn, cũng bởi đình được xây những năm đầu tiên của đời Nguyễn nên còn chịu nhiều ảnh hưởng của những nét độc đáo tinh xảo của điêu khắc thời Lê Trung Hưng (1533–1789). Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: một cuốn ngọc phả viết bằng chữ Hán, sắc phong vào năm Gia Long nhị niên (1803), các sắc phong triều đại Tự Đức, Minh Mạng, Thiệu Trị; ngai thờ, án gian, kiệu bát cống, đồ bát bửu, âm bồng, ống hoa, đài rượu, đài nước…
Do những biến động của lịch sử và việc phân chia sử dụng các khu đất hành chính của xã Đình Chu, đình được di chuyển toàn bộ vào khu vực mới, hiện nay chính là nằm trong khuôn viên của UBND xã Đình Chu.
Cách đình không xa có một ngôi miếu thiêng thường gọi là miếu Đình Chu, có bức hoành phi đề “Hùng Vương Miếu” là nơi thờ chính, đình là nơi thờ vọng. Bài vị của Miếu có ghi “Đột Ngột Cao Sơn, Cổ Việt Hùng Thị, Thập Bát Thế Thánh Vương” và các đạo sắc phong năm Minh Mệnh thứ 2 có ghi “Phụng sự Thánh Tổ Hùng Vương”.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn