Vĩnh Phúc có không ít những ngôi chùa cổ đã được nhiều người biết đến, trong đó có một ngôi chùa đã tồn tại hàng trăm năm nay ở một làng khoa bảng, đó chính là chùa Vĩnh Phúc với tên Nôm là chùa Am.
Chùa Am được Viện Viễn đông Bác cổ kiểm kê năm 1939 cùng với những hiện vật quí như chuông, khánh, bia, cây hương đá… và đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993. Chùa Am toạ lạc ở cổng đông của làng Quan Tử, trên một gò đất nổi cao giữa cánh đồng trũng gọi là gò Am. Vào mùa nước, xung quanh ngập trắng chỉ còn gò Am nổi lên, người dân nơi đây vẫn ví ngôi chùa tựa như một bông sen và đường vào cổng làng như cuống của đài sen.
Chùa Am được xây dựng vào năm Bính Tý niên hiệu Chính Hòa (năm 1696), được ghi rõ trên cây hương đá dựng giữa sân chùa. Việc xây dựng kéo dài trong vòng 15 năm, đến năm Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh (1710) mới hoàn chỉnh. Khi đó kiến trúc chùa gồm có cổng chùa, sân chùa và hai tòa chính điện. Từ khi xây dựng đến nay, chùa đã qua nhiều lần trùng tu, đặc biệt là vào thời Nguyễn, vì vậy kết cấu và qui mô kiến trúc có thay đổi, thể hiện rõ nhất ở hai lớp kiến trúc khác nhau, không đồng nhất về kiểu dáng và qui mô. Chùa được xây dựng vào giai đoạn mà cả Đạo giáo và Nho giáo cùng phát triển. Do ảnh hưởng của tam giáo nên hệ thống tượng thờ trong chùa mang ý nghĩa của cả Đạo giáo và Nho giáo, song đạo Phật vẫn là chủ yếu và được thờ ở tòa chính điện.
Chùa Vĩnh Phúc là di tích có giá trị đầy đủ về các mặt lịch sử, khoa học, nghệ thuật văn hóa. Lịch sử của ngôi chùa đã gắn liền với lịch sử văn hiến của làng Quan Tử. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân thôn Quan Tử và vùng phụ cận đã hàng trăm năm nay. Đến nay, chùa Am vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ bảo quản tốt và đang được đầu tư mở rộng. Cùng với đền thờ Trần Nguyên Hãn và đền thờ Đỗ Khắc Chung, chùa Am đã và đang trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn ở vùng đất văn hiến này.
Dịch vụ
Sự hài lòng
Độ hấp dẫn