1. Đình Hương Canh
Tất cả các đầu dư, họng cột, những phần thừa ra ở đình đều được biến thành những tác phẩm nghệ thuật. Những đầu kìm được trạm lộng sâu tới gang tay, những nét mác cong đều nhau vun vút. Những đầu hoành, đòn tay là những chú voi mập mạp, như đang đứng đó cùng nhau khiêng đội mái đình.
Tất cả có 19 bức chạm lớn nhỏ gép thành 6 mảng lớn ở trong đình. Đây là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội làng, phản ánh được phần nào sinh hoạt của nhân dân thời Lê Trung Hưng.
2. Đình Ngọc Canh
Nội dung và nghệ thuật chạm trổ đình Ngọc có những điểm khác đình Hương Canh. Nếu như đình Hương tả nhiều về ngày hội làng, những trò chơi đông người vui nhộn thì đình Ngọc thiên về đặc tả những người lao đông, những thú vui hàng ngày trong nông thôn. Với bố cục chặt chẽ, hài hoà, đình Ngọc Canh là một tác phẩm hoàn hảo, có nội dung tư tưởng sâu sắc. Đặc sắc nhất là bức “dựng cột buồm” được chạm trên một đầu cột con ở gian cạnh, miêu tả cảnh đóng thuyền buồm của một hiệp thợ.
3. Đình Tiên Hường
Đình Tiên Hường ít miêu tả cảnh sinh hoạt của con người. Hầu hết là chạm các cảnh thiên nhiên và vật thờ như hoa sen, rùa, phượng, kình nghê… đặc biệt là hình rồng rất phổ biến và ở nhiều tư thế khác nhau: rồng hút nước, rồng cuốn cột, cá hoá rồng…
Bức chạm trổ tiêu biểu nhất là bức cửa võng. ở đình Tiên Hường có hai lần cửa trong và ngoài, mỗi lần lại có ba ô cửa, trang trí bằng bảy lớp cá hoá rồng, mỗi con 1,5m dài suốt theo chiều cao của cửa, đầu cá ở cuối đang cong lên để nhìn toàn bộ phần thân đã hoá rồng.
4. Làng gốm Hương Canh
Thuộc huyện Bình Xuyên, nằm ngay trên đường quốc lộ 2A. Nghề gốm ở đây có từ lâu đời. Tương truyền, sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê - Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng.
Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt, những người hồi cư không kế sinh nhai, ông Trịnh Xuân Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất nông nghiệp và đem người đến dạy dân làm nghề cang chĩnh. Cuộc sống đi vào ổn định và khấm khá dần. Khi ông qua đời, dân làng thương tiếc, lập miếu thờ, tôn ông làm sư tổ nghề gốm.
0 bình luận