Tối 25/3, tại thành phố Huế diễn ra Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 với chương trình nghệ thuật chủ đề “Lời tự tình dòng sông” cùng màn pháo hoa rực rỡ bên bờ sông Hương. Đây là sự kiện văn hóa, kinh tế, xã hội và du lịch tiêu biểu để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá, tài nguyên du lịch đặc sắc của Việt Nam, thu hút khách du lịch đặc biệt là khách quốc tế.
Tới dự Khai mạc có đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị,
Thường trực Ban Bí thư Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội
Vũ Hồng Thanh; Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; Bộ trưởng Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Năm du lịch quốc gia Nguyễn Văn Hùng; Bí
thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành
phố Huế Lê Trường Lưu cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Năm Du lịch quốc gia được luân phiên tổ chức hàng năm từ năm
2003 đến nay tại các tỉnh, thành phố
trên cả nước. Tính đến 2025, đã qua 20 kỳ tổ chức thành công. Hoạt động này đã thu
hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng quảng bá
hình ảnh đất nước Việt Nam “an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập
và phát triển” ra thế giới.
Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô
xưa, vận hội mới”, mở đầu cho chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch diễn
ra khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nằm ở trung độ của cả nước, thành
phố Huế có vai trò kết nối 3 miền bắc- trung-nam; là nơi đô hội lớn một phương,
thủ phủ của xứ Đàng trong, miền đất địa linh nhân kiệt. Thành phố Huế có bề dày
lịch sử, văn hóa được hình thành và phát triển qua dòng chảy gần 720 năm của
vùng đất Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế; chứa đựng tinh hoa, giá trị biểu trưng trí tuệ
và văn minh của dân tộc Việt Nam với 8 di sản được UNESCO ghi danh; trong đó có
“Nhã nhạc cung đình Huế”, đã vang danh trên bản đồ văn hóa nhân loại, góp phần
khẳng định giá trị trường tồn của nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Năm Du lịch quốc gia 2025 diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi
tại thành phố Huế và nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước, theo hướng “kết hợp
sức mạnh, nhân lên lợi thế, khơi nguồn thành công”, trong đó hướng tới tổ chức
thiết thực, có sức lan tỏa các sự kiện: Tuần lễ văn hóa-du lịch, lễ hội ẩm
thực, các hoạt động nghệ thuật “đa dạng về loại hình-đặc sắc về nội dung”... với
tinh thần mới, hào khí mới, âm hưởng nền văn hiến hàng ngàn năm của dân tộc,
thể hiện sâu sắc ý chí, khát vọng phát triển hùng cường, thịnh vượng của dân
tộc.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai
Văn Chính nhấn mạnh, năm 2025 là năm có
nhiều sự kiện quan trọng của dân tộc, là thời điểm cả nước cùng nhìn lại hành
trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời gian qua, định hướng cho một tương lai - kỷ
nguyên vươn mình của dân tộc. Khai mạc năm Du lịch quốc gia 2025 là sự kiện văn
hóa, kinh tế, xã hội và du lịch tiêu biểu, quy mô quốc gia và tầm quốc tế; là
cơ hội quan trọng để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hoá, tài nguyên tự nhiên
và sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam, thu hút khách du lịch quốc tế. Năm
2025 được kỳ vọng sẽ đón từ 22-23 triệu lượt khách quốc tế; 120-130 triệu lượt
khách nội địa.
Đây là lần thứ 2 Huế vinh dự được chọn đăng cai tổ chức Năm Du
lịch quốc gia (2012 và 2025). Điều này khẳng định vị thế của vùng đất Huế trên
bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới và cũng thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm
của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương đối với thành phố Huế trong phát
triển kinh tế-xã hội và phát triển du lịch. Thực tế cho thấy du lịch là ngành kinh tế quan
trọng, không chỉ góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho hàng triệu lao
động, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, mang lại diện mạo mới, làm sống lại các di
tích mà còn thúc đẩy hợp tác, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế. Các hoạt động
du lịch đã góp phần to lớn xây dựng tình hữu nghị, gìn giữ hoà bình, giúp quảng
bá, lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc tới đông đảo khách
du lịch trong nước và ngoài nước.
Tại Lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia Huế, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, thành phố Huế và các địa phương trên cả nước tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục phối hợp thực hiện thật tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như: triển khai những giải pháp tổng thể, đồng bộ về quy hoạch, thu hút đầu tư nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp gắn kết với các giá trị di sản văn hóa đặc sắc; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để truyền thông, quảng bá hiệu quả du lịch Huế nói riêng và vùng duyên hải miền trung nói chung, cũng như cả nước; tạo ra không gian mới cho phát triển du lịch, giảm thiểu tác động đến môi trường, nguyên thiên nhiên, cảnh quan và di sản.
0 bình luận